Hagia Sophia  vốn được tạo dựng làm nhà thờ từ năm 532 đến năm 537 theo lệnh của Hoàng đế Byzantine Justinian, trở thành Nhà thờ Trí tuệ Thánh thiêng thứ 3 được khánh thành tại địa điểm này (hai nhà thờ trước đã bị phá hủy do quân phiến loạn). Cha đẻ của công trình đồ sộ này là hai kiến trúc sư Isidorus xứ Miletus và Anthemius xứ Tralles. Nơi đây sở hữu một bộ sưu tập các thánh tích và có một bức tường tranh bằng bạc dài 15 m. Trong gần 1000 năm, đây là nhà thờ trung tâm của Giáo hội Chính thống giáo Đông phương và trụ sở của Thượng phụ Đại kết thành Constantinopolis .

Xét về kiến trúc, bảo tàng Hagia Sophia là một hình mẫu chuẩn mực cho kiến trúc Byzantine với mái vòm lớn, mặt bằng hình chữ nhật; lối vào từ hướng Tây, bàn thờ hướng Đông; bề ngoài giản dị, bên trong tinh xảo; có các họa tiết Mosaic tái hiện lại các Thánh tích…

Điểm nổi bật nhất của Thánh đường là mái vòm chính điện, có đường kính 31m đặt trên một dãy 40 cửa sổ và mở rộng sang hai bên bằng hai vòm khuyết nhỏ hơn, và được mở rộng bằng ba vòm nhỏ hơn nữa. Tất cả kiến trúc được nâng đỡ bằng các cột cẩm thạch gối lên nhau, hút sự chú ý lên đỉnh vòm, gợi cảm giác vô tận về không gian. Ngày nay, cấu trúc của mái vòm Hagia Sophia vẫn là một địa hạt thú vị của các sử gia, kiến trúc sư và kỹ sư bởi sự sáng tạo tuyệt vời của người xưa.

Điểm nổi bật thứ hai của Hagia Sophia là phong cách trang trí Mosaic (khảm ghép) xuất hiện dày đặc ở Thánh đường. Các bức tranh Mosaic tại đây thường tái hiện hình ảnh Đức mẹ Maria, chúa Jesus, các Thánh, các thiên thần, các vị Hoàng đế và Hoàng hậu. Phần còn lại của Thánh đường được khảm bằng các họa tiết hình học phức tạp.

Một điều nữa làm nên sức hút của Hagia Sophia chính là những kiến trúc Hồi giáo được tạo dựng sau khi Ottoman tiếp quản Constantinople. Điển hình nhất là bốn cột minaret bao quanh Giáo đường qua từng đời Sultan. Ở vị trí của bàn thờ trong thời kỳ Chính thống giáo, người ta thay bằng một mihrab (khoảng trống trên tường, quay về Mecca, chỉ hướng cúi lạy cho các tín đồ hồi giáo). Bên cạnh đó còn có minbar (giảng đàn của giáo sĩ), hai bình tẩy uế cỡ lớn bằng cẩm thạch mang về từ Pergamon. Bên ngoài, các kiến trúc sư của Ottoman đã thêm vào hai minaret ở phía Tây công trình, một đài phun nước (sadirvan) dùng trong lễ rửa tội, và xây lăng mộ cho các Sultan Murad III và Mehmed III ở bên cạnh Giáo đường.

Sau những lần bị phá hủy rồi tôn tạo cùng kết hợp đặc sắc về kiến trúc, bảo tàng Hagia Sophia vẫn mang một vẻ đẹp hài hòa của sự thống nhất và là đứa con đẻ của những thiên tài kiến trúc của các thời kỳ lịch sử. Hagia Sophia đặc biệt được biết đến vì bốn ngọn tháp hùng vĩ và mái vòm trung tâm hình bát úp rộng lớn. Bên trong hiện vẫn cón bức tranh ghép từ thế kỷ thứ 9, và các bức bích họa thế kỷ thứ 10 của Kitô giáo. Trong khi các mái vòm lại được trang trí bằng những câu kinh Qur’an của Hồi giáo.

Hagia Sophia trở thành nguồn cảm hứng dạt dào và hình mẫu cho những công trình sau này của Ottoman mà gần gũi nhất chính là Giáo đường Xanh (Blue Mosque) và Giáo đường Sultan Mehmed tại Istanbul.

Khách du lịch Istanbul lưu ý bảo tàng Hagia Sophia mở cửa tất cả các ngày trong tuần. Thời gian mở cửa vào mùa Đông (từ 01.10 đến 15.04) là 09.00 sáng đến 17.00 tối (đóng cửa quầy bán vé vào 16.00 tối) và thời gian mở cửa vào mùa Hè (từ 15.04 đến 01.10) là 9.00 sáng đến 19.00 tối (quầy bán vé đóng cửa vào 18.00 tối). Giá vé vào cửa hiện tại là 30 tiền lira Thổ Nhĩ Kỳ. Để đến Hagia Sophia có thể dùng tàu điện Tram line (T1) với bến đỗ là “Sultanahmet”.

Featured news
Copyright tourdulichthonhiky.net
Top